Thừa Thiên Huế: Sắp lên thành phố trực thuộc TƯ, giá đất tăng gấp 2 lần

Ghi nhận giá đất Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến mạnh, thậm chí giá đã tăng gấp 2 lần so với trước sau khi có thông tin tỉnh này lên thành phố trực thuộc TƯ. Nếu như trước đây, giá đất TP. Thừa Thiên Huế có nơi 16 triệu đồng/m2, nay tăng lên 35 triệu đồng/m2.

Thừa Thiên Huế chuẩn bị những gì để trở thành thành phố trực thuộc TƯ ? 

Theo Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa là 3 tỉnh dự kiến trở thành các thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2030.

Để xây dựng tỉnh thành thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2018, Thừa Thiên Huế quyết định dành 2.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, giao thông trọng điểm như các dự án trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài.

Nhiều tuyến đường như QL49B, nối từ TP Huế lên phía tây miền núi A Lưới; La Sơn-Nam Đông cũng như nhiều trục ngang dọc, như Phú Mỹ - Thuận An, Chợ Mai - Tân Mỹ, Phong Điền - Điền Lộc... được triển khai kết nối vùng trung tâm TP Huế đến vùng biển Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền...và đến các cảng biển, nhà ga, sân bay, khu công nghiệp, làng nghề.

Về các công trình hạ tầng kỹ thuật, Huế đã hoàn thành Tuyến đường số 7 Cụm công nghiệp Tứ Hạ; tiếp tục đầu tư Đường quy hoạch nội bộ cụm công nghiệp Tứ Hạ (tuyến số 3), Đường gom số 3-4 tại Cụm công nghiệp Thủy Phương, thị xã Hương thủy; khởi công mới Đường trục chính trong khu công nghiệp Phong Điền vào khu chức năng chế biến cát.

Về phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm kỳ 2015-2020, Thừa Thiên Huế đã có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Mức tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 6,5%/năm và là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.

Giá đất Thừa Thiên Huế tăng gấp 2 lần

Với thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế, đất nền TP Huế đang dần được "mắt xanh" của các nhà đầu tư lớn để ý tới.

Chỉ trong chưa đến một năm, từ cuối 2019 đến năm 2020 các "ông lớn" đã liên tục đầu tư vào Huế. Đáng kể nhất phải nhắc đến là VinGroup với dự án Vincom Tứ Hạ. Sau đó là Apec Group, Minh Linh. Và Vneco Thừa Thiên Huế, Bitexco với khu nghỉ dưỡng Mỹ An…

Ghi nhận giá đất nền khu quy hoạch Xuân Phú, Thanh Thuỷ, Thuỷ Vân, Phú Vang,… tại Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến mạnh, thậm chí giá đã tăng gấp 2 lần so với trước.

Đại diện Sở xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay, nếu như trước đây giá đất nền tại trục đường chính của khu quy hoạch Xuân Phú chỉ 16 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 35 triệu đồng/m2.

Tương tự, tại khu quy hoạch Thuỷ Thanh, Thuỷ Vân từ 7-8 triệu đồng/m2 đã lên 12-16 triệu đồng/m2 hay đất khu quy hoạch Vinh Vệ, Phú Vang từ 3 triệu đồng/m2 lên 5,5 triệu đồng/m2.... Điều này cho thấy không chỉ giá trị bất động sản đã tăng lên đáng kể mà còn thể hiện cơ hội đầu tư cho thị trường.

Thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế trên diễn đàn, website rao bán đất diễn ra khá sôi động. Theo khảo sát, giá đất trung bình tại Thừa Thiên Huế được rao bán trung bình từ 15 - 40 triệu đồng/m2.

Trên trang batdongsan, một mảnh đất có diện tích 124m2 nằm ở Nguyễn Lộ Trạch, chợ Cống mới, TP Huế được rao với giá 5,1 tỷ đồng, tương đương với 41,1 triệu đồng/m2. Đất được giới thiệu "Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận. Lô đất tại đoạn giữa của kiệt 185 Nguyễn Lộ Trạch, kiệt bê tông rộng 3m"

Một một mảnh đất có diện tích 90m2 nằm ở phường An Đông, TP Huế được rao với giá 2,25 tỷ, tương đương với 25 triệu đồng/m2. Mảnh đất được quảng cáo đường 13,5m, cách trung tâm thành phố chưa đầy 1km, hướng Bắc mát mẻ; Vùng đất gần trung tâm, phân lô phù hợp ở, đầu tư, tương lai khu vực kinh doanh sầm uất...

Hay trên trang alonhadat, một mảnh đất khác có diện tích 257m2 ở phố Khúc Thừa Dụ, phường Thủy Dương, Thị xã Hương Thủy được rao với giá 3,6 tỷ đồng, tương đương 14 triệu đồng/m2.

Về giá đất nông nghiệp tại Thừa Thiên Huế ghi nhận sự chênh lệch khá cao, tại các khu quy hoạch giá đất nông nghiệp khá cao, trong khi đó một số nơi giá chỉ gần 200.000 đồng/m2.

Trên trang Chợ tốt, mảnh đất trang trại có diện tích 5.000 m2 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế được rao với giá chỉ 180.000 đồng/m2. Theo chủ sở hữu, đất có sổ 3.000 m2, trong đó có 400 m2 là đất ở gồm nhà, hồ sen, vườn, có mương nước bao quanh, điện nước đầy đủ...

Cũng trên trang này, mảnh đất trồng cây có diện tích 1.257 m2 nằm trên đường Trưng Nữ Vương, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy được rao với 1 tỷ 950 triệu, tương đương với 1,55 triệu đồng/m2. Mảnh đất được quảng cáo là đất vuông vắn đẹp, có sổ đỏ chính chủ và giá bán có thương lượng.

Trong khi đó, trên trang muaban, một mảnh đất trồng cây có diện tích 612 m2 ở xã Lộc Vĩnh, Lăng Cô, Thừa Thiên Huế được rao với giá 13,2 triệu đồng/m2. Mảnh đất được quảng cáo là nằm trong khu dân cư, nằm trong khu quy hoạch có sổ đỏ, cách đường lớn 60 m.

Thị trường bất động sản Huế khó gây sốt

Trên báo chí, ông Nguyễn Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Ân Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Thừa Thiên Huế cho hay, thị trường bất động sản tại Thừa Thiên Huế hiện vẫn khá ổn định. Du lịch phát triển, cộng thêm những chính sách cởi mở của tỉnh đã kích thích một làn sóng đầu tư mới vào lĩnh vực bất động sản.

"Thị trường Huế rất khó gây sốt vì tính cách người Huế “không ưa” mạo hiểm, tính thụ động rất cao nên sẽ nhớ rất lâu. Vì thế, nếu ai bắt tay làm “sốt” hay tạo sóng ở Huế sẽ “khó” hơn nhiều so với các địa phương khác và không ai khác người “làm sốt” sẽ chịu kết quả không tốt đầu tiên", ông Châu nói.

https://danviet.vn/thua-thien-hue-sap-len-thanh-pho-truc-thuoc-tu-gia-dat-tang-gap-2-lan-20210308132606126.htm?utm_source=dapp&utm_medium=zalochat&utm_campaign=share


Tin tức liên quan

Phí, hạ tầng và lòng dân

Phí, hạ tầng và lòng dân

SGTT.VN - Thời gian gần đây, người dân đang chịu những áp lực tâm lý – xã hội dồn dập. Lạm phát tăng cao, đồng tiền trượt giá, những mặt hàng cơ bản nhất liên tục tăng mà chưa có hồi kết. Kéo theo đó là phản ứng dây chuyền khi nhiều loại phí đều tăng như viện phí, học phí, lộ phí... Những sự tích hợp này làm cho đời sống người dân căng thẳng.

Bất động sản Huế sôi động trước khi lên Đô thị trực thuộc Trung ương

Bất động sản Huế sôi động trước khi lên Đô thị trực thuộc Trung ương

Theo Quyết định số 241/​QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thừa Thiên Huế là một trong ba tỉnh thành dự kiến trở thành các thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021 – 2030. Với hạ tầng phát triển cùng nhiều chính sách ưu đãi nhà đầu tư, bất động sản bước vào giai đoạn sôi động nhất.

Dự báo Hai kịch bản đối với thị trường Bất động sản năm 2021

Dự báo Hai kịch bản đối với thị trường Bất động sản năm 2021

"Chắc chắn sẽ tiếp tục có những siêu dự án với quy mô lớn và rất lớn được đầu tư. Đó sẽ là những dự án tạo ra sức nóng và sự dẫn dắt trên thị trường. Năm 2021, chúng ta có thể hy vọng vào một bức tranh tươi sáng hơn", ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu BĐS Việt Nam nói.